Thứ Năm, 5 tháng 12, 2013


THÔNG TIN HOẠT ĐỘNG TRƯỜNG THCS LÝ THƯỜNG KIỆT




1. Đặc điểm, tình hình:         
          - Địa điểm trụ sở chính: Thôn Phú Hưng, xã Tam Tam Xuân 1, huyên Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, điện thoại: 0510.891235, website: lythuongkiet-nuithanh.edu.vn
          - Quá trình thành lập và phát triển: Trường THCS Lý Thường Kiệt được thành lập tháng 9 năm 1972, lúc bấy giờ có tên gọi là Trường Trung học Tỉnh hạt Kỳ Hưng. Từ sau ngày giải phóng qua nhiều lần tách nhập tên trường có nhiều cách gọi khác nhau, đến năm 1998 được tách ra từ trường THCS Tam Xuân và có tên gọi là trường THCS Tam Xuân 1 theo quyết định số 69/1998/QĐ-GDĐT của Sở Giáo dục & Đào tạo Quảng Nam. Ngày 14/9/ 2007 được đổi tên thành trường Trung học cơ sở Lý Thường Kiệt theo quyết định số: 3139/QĐ-UBND của UBND huyện Núi Thành.Trường THCS Lý Thường Kiệt là đơn vị có quy mô lớn về số lượng lớp, học sinh của huyện Núi Thành, nhà trường nhiều năm được chọn làm trường điểm của ngành giáo dục huyện. Trường là đơn vị có bề dày về mặt thành tích nhất là phong trào dạy và học. sau 37 năm từ ngày giải phóng đến nay trường có hơn 30 năm đạt trường tiên tiến, có năm là ngọn cờ đầu của ngành học phổ thông của tỉnh. Đặc biệt 9 năm học gần đây từ  2003-2011 liên tục đạt tập thể lao động xuất sắc và trường tiên tiến xuất sắc được UBND tỉnh và Bộ GD&ĐT tặng bằng khen. Năm hoc 2006-2007 được tặng thưởng bằng khen của Thủ Tướng Chính phủ. Trường đã đạt chuẩn quốc gia từ năm học 2004-2005 và 10 năm liền luôn giữ vững Trường đạt chuẩn quốc gia của huyện.
2. Thông tin hoạt động:
 Đai hội Liên đội

                                   phut sinh hoat truyen thong

Ngày 24/10/2013 Liên đội THCS lÝ Thường Kiệt long trọng tổ chức Buổi Đại Hội Liên đội năm học 2013-2014. Liên đội đã bầu ra 15 em vào Ban Chỉ huy Liên đội.Về dự với Đại hội có Đại biểu từ Chi bộ, ban Giám hiệu nhà trường, ban phân hội phụ huynh, giáo viên phụ trách và 150 đại biểu đại diện cho 22 Chi đội. Về phía Đoàn xã, có anh anh Hồ Văn Lợi Bí thư Đoàn xã Tam Xuân 1 về tham dự. Buổi đại hội có phút sinh hoạt truyền thống về Bác Hồ, hoạt cảnh về phong trào đáu tranh của 5 anh hùng Nông Văn Dền (Kim Đồng), Nông Văn Thàn (Cao Sơn), Lý Thị Xậu (Thanh Thủy), Lý Thị Nì (Thủy Tiên), Lý Văn Tinh. Phút sinh hoạt diễn ra hết sức xúc động. Không khí đại hội diễn ra hết sức trang nghiêm. Buổi Đại hội diễn ra thành công tốt đẹp.
Tác giả bài viết: Nguyễn Viết Lai

Trường THCS Lý Thường Kiệt nhận Huân Chương 
Lao Động Hạng Ba
 








Thư viện nhà trường


1. Giới thiệu thư viện trường THCS Lý Thường Kiệt:

    Trường THCS Lý Thường Kiệt  nằm trên quốc lộ 1A thuộc xã Tam Xuân 1, Huyện Núi Thành – Tỉnh Quảng Nam.  Là một trong những trường đạt chuẩn quốc gia đầu tiên của huyện Núi Thành

Tổng số cán bộ, giáo viên, nhân viên: 56 người

Tổng số học sinh: 930 học sinh chia làm 22 lớp


Trường THCS Lý Thường Kiệt được thành lập năm 1973, hơn 40 năm qua nhà trường đã có nhiều thay đổi đáng kể dù cơ sở vật chất đã cũ kỹ, nhưng đã từng bước tu sữa mới lại cơ sở vật chất cũng như trang thiết bị khá đầy đủ.

Thư viện được bố trí  2 phòng khang trang và sạch sẽ, bao gồm: Phòng đọc học sinh và 1 phòng chia thành phòng dành cho giáo viên và phòng kho với 4 kệ sách: Sách giáo khoa, sách tham khảo, sách nghiệp vụ và sách thiếu nhi. Ngoài ra còn có trang bị thêm tủ sách Pháp luật và tủ sách Đạo đức.

Nhờ sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của Ban giám hiệu nhà trường mà thư viện được trang bị thêm 2 máy tính có nối mạng Internet và 1 máy in.


Phân công một nhân viên thư viện có trình độ trung cấp đảm nhận công tác tại thư viện trường .



1.3 Thành phần bạn đọc:

Cán bộ, giáo viên và học sinh toàn trường.


Tổng kho sách hiện nay của thư viện 7463  bản. Bao gồm:

+ Sách giáo khoa: 895 bản

+ Sách nghiệp vụ:  663 bản

+ Sách tham khảo và sách thiếu nhi:  5905 bản.

Ngoài ra, thư viện còn thường xuyên đặt mua 8 loại báo - tạp chí:

+ Báo nhân dân

+ Báo Giáo dục -Thời đại

+ Báo Phụ Nữ Việt nam

+ Báo Quảng Nam

+ Báo Thiếu niên tiền phong

+ Báo Hoa học trò

+ Tạp chí Toán học tuổi trẻ

+ Tạp chí toán học tuổi thơ 2

1.5  Tình hình hoạt động :

- Hằng năm nhà trường trích 2 % kinh phí ngân sách để đầu tư cho cơ sở vật chất như: Bổ sung sách, báo, tạp chí, mua sắm trang thiết bị...ngoài ra còn có quỹ hội phụ huynh , giáo viên và học sinh ủng hộ

- Đầu năm, CBTV xây dựng kế hoach từng năm, từng tháng, từng tuần

- Lên kế hoạch bổ sung sách mới

- Lập các kế hoạch, các quyết định thành lập các tổ công tác Thư viện, tổ cộng tác viên Thư viện để cùng phối hợp tổ chức các hoạt động Thư viên, để đem lại hiệu quả cao.

- Tổ chức các buổi ngoại khóa, tuyên truyền, giới thiệu sách

Nhìn chung, Thư viện Trường THCS Lý Thường Kiệt được coi là một trong những thư viện phát triển với số lượng tài liệu tương đối, nội dung và hình thức đa dạng, phong phú luôn đáp ứng kịp thời nhu cầu của bạn đọc cũng như đảm bảo tính cập nhật của thông tin.
2. Bài giới thiệu sách:

BÀI GIỚI THIỆU SÁCH NHÂN NGÀY THÀNH LẬP HỘI LIÊN HIỆP PHỤ NỮ VIỆT NAM 20/10

Kính thưa :        
                      -   BGH Trường THCS Lý Thường Kiệt
                     -    Quý thầy giáo, cô giáo trong hội đồng phạm
·                    -    Các em học sinh thân mến!
           Trải qua hàng nghìn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước, phụ nữ Việt Nam đã chứng tỏ được sức mạnh, trí thông minh, ý chí quật khởi, tinh thần hy sinh xả thân vì nước. Biết bao tấm gương phụ nữ kiên trung, bất khuất để lại tiếng thơm cho con cháu muôn đời như Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Bùi Thị Xuân, Võ Thị Sáu...Không chỉ thế còn biết bao hình ảnh người mẹ, người chị chấp nhận hy sinh những đứa con yêu quý của mình để phục vụ cho cuộc kháng chiến chống thực dân xâm lược như mẹ Thứ nơi quê hương Quảng Nam yêu dấu của chúng ta.
        
  Vâng ! Chúng ta thật tự hào về truyền thống vẻ vang của dân tộc ta nói chung, của phụ nữ Việt Nam nói riêng. Là học sinh các em hãy ra sức học tập thật tốt, tìm hiểu về lịch sử Việt Nam bằng nhiều hình thức: Học lịch sử Việt Nam, xem phim tài liệu, đọc truyện tranh lịch sử ...
 Hôm nay, nhân dịp kỷ niệm 82 năm ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam 20-10 cô xin giới thiệu với các em 2 cuốn truyện tranh lịch sử Việt Nam rất hấp dẫn và một cuốn sách  của nhà xuất bản Trẻ và nhà xuất bản thời đại  ấn hành, với khuôn khổ nhỏ xinh, mỗi cuốn sách từ 100 đến 120 trang, hình ảnh sống động, màu sắc hấp dẫn, rất phù hợp với lứa tuổi của các em.
        
    Tập truyện tranh thứ nhất: " Nguyên Phi Ỷ Lan " của tác giả Trần Bạch Đằng. Các em sẽ bị cuốn hút bởi sự hấp dẫn của tranh ảnh và em sẽ tìm hiểu  được Nguyên phi Ỷ Lan đã xuất thân trong hoàn cảnh nào để lên thay vua Lý Thánh Tông trông coi việc nước ? Lúc được nhiếp chính, bà thường cải trang thành dân thường vi hành để tìm hiểu đời sống của nhân dân, ra lệnh phát chẩn cứu đói, khuyến khích nghề nuôi tằm, dệt lụa, ổn định nội trị. Bà luôn được nhân dân yêu mến. Đọc hết tập truyện các em sẽ biết được Nguyên Phi Ỷ Lanđã mấy lần nhiếp chính, thay vua trị nước trong thời gian nào? Vì sao nhân dân thời ấy gọi bà là "Đức Quan âm"?
          Tập truyện thứ hai cô muốn giới thiệu với các em là: "Nguyễn Thị Định, nữ tướng đội quân tóc dài" của nhà văn Trần Tích Thành. Truyện viết về một nữ tướng tài ba, thông minh, mưu trí, xuất thân trong một gia đình nông dân giàu lòng yêu nước, có truyền thống Cách mạng.
           Đến với tập truyện này, các em không khỏi hồi hộp về sự quả cảm của vị nữ tướng. Trong suốt cuộc đời làm cách mạng, bà đã giữ những chức vụ quan trọng nào? Nguyễn Thị Định tham gia hoạt động cách mạng vào năm mấy tuổi?
   Vì sao nữ tướng luôn được mọi người yêu mến? Các em sẽ tìm thấy lời giải đáp sau khi đọc xong tập sách này nhé!
            Các em ạ! Trong gia đình, người mẹ có một vị trí rất quan trọng, mẹ làm tất cả từ việc chăm sóc, nuôi dạy con cái, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc. Có lúc mẹ yêu chiều, mềm mỏng, nhưng có lúc mẹ lại nghiêm khắc với các con. Làm mẹ đó là công việc đầy ắp những nụ cười, niềm hạnh phúc ngọt ngào nhưng cũng không ít nước mắt, nỗi đắng cay và sự hy sinh mà có khi đến lúc nhắm mắt xuôi tay con cũng chưa chắc hiểu thấu hết được. Tình mẹ đó là tình yêu vô điều kiện, một sự chở che vững chắc, một điểm tựa không có gì có thể lay chuyển nỗi mà những đứa con yêu thương muốn hướng về . Cuốn “ Người mẹ phi thường” của tác giả Dương Hồng Anh do nhà xuất bản thời đại ấn hành năm 2009 là một cuốn sách nói về cách làm mẹ, làm người rất hay, rất bổ ích cho tất cả mọi người để tự hoàn thiện nhân cách cho chính mình. Cuốn sách gồm 3 phần trình bày dưới hình thức những câu chuyện nhỏ với nhiều tình huống khác nhau và trong mỗi tình huống ấy cách ứng xử của người mẹ đã để lại cho người đọc niềm xúc động sâu xa bởi tính nhân văn của nó.
    Trong những ngỗn ngang bề bộn của cuộc sống, vẫn còn đó những sự thật đau lòng về cách ứng xử của con cái đối với cha mẹ, những biểu hiện suy thoái về mặt đạo đức trong mỗi chúng ta. Thì cuốn sách này đánh thức lại một tình cảm thiêng liêng  tốt đẹp mà con người cần phải giữ gìn, cần phải trân trọng. Có thể nói rằng cuốn sách không phải là những trang giáo điều khô khan nặng nề về thuyết giảng mà mỗi câu chuyện trong cuốn sách đi vào từng ngóc ngách riêng tư cuộc đời của mỗi con người, nó có sức cảm hóa rất tự nhiên và vô cùng thấm thía. Đó chính là sự tôn vinh mà người viết dốc lòng thực hiện để ca ngợi tình mẹ đầy cao cả, bao dung và sự hy sinh to lớn dành cho con trong cuộc đời này.
                  Cuốn sách này hiện đang có tại thư viện trường, các em hãy đón đọc nhé .Thư viện rất hân hạnh phục vụ các em !                


           GIỚI THIỆU SÁCH VỀ BIỂN ĐẢO QUÊ HƯƠNG
 Kính thưa:
                  -   BGH Trường THCS Lý Thường Kiệt
                  -   Quý thầy giáo, cô giáo trong hội đồng phạm
 

                  -    Các em học sinh thân mến!
                                                                                                              
Tôi kể em nghe chuyện Trường Sa                    Lòng yêu nước, tinh thần tự chủ và bất khuất từ bao đời nay đã trở thành truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta, thấm sâu vào tình cảm tư tưởng của đồng bào ta, tạo nên sức mạnh thần kỳ để nhân dân ta chiến thắng mọi kẻ thù sâm lược. Ngày nay, đất nước ta đang hòa bình, dân tộc ta đang độc lập nhưng bờ cõi ta một số nơi vẫn chưa yên. Đặc biệt trên biển Đông, nơi cửa ngõ của Việt Nam, ở đó quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đang bị tranh chấp nhòm ngó và đe dọa.
            Hiện nay, việc tuyên truyền, giáo dục về biển đảo và chủ quyền biển đảo của Việt Nam nói chung và hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nói riêng là vấn đề thời sự nóng hổi, lâu dài, không chỉ cho thế hệ hôm nay mà còn cho thế hệ mai sau, đặc biệt là với thế hệ trẻ.
          Hôm nay nhân ngày tổ chức Hội thi, tôi xin giới thiệu cuốn sách: “Tôi kể em nghe chuyện trường sa” của Thượng úy Nguyễn Xuân Thủy - một nhà văn trẻ đang công tác ở Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam, được NXB Kim Đồng phát hành mùa hè năm 2011, đạt giải vàng tại Lễ trao giải thưởng sách Việt Nam lần thứ 8 năm 2012 do Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức ngày 23-12 nhằm tôn vinh những tác phẩm hay, tác giả tâm huyết, nhà xuất bản…
          “Tôi kể em nghe chuyện Trường Sa” là món quà của Thượng úy Nguyễn Xuân Thủy dành tặng bạn đọc nhỏ tuổi trong cả nước.
Mười hai năm trước, từ mái trường phổ thông, Nguyễn Xuân Thủy trở thành chiến sĩ Trường Sa. Hơn một năm sau anh được chuyển về đất liền, được đơn vị tạo điều kiện đi học đại học để phục vụ lâu dài trong quân đội. Tình yêu văn chương, vốn sống quân ngũ và kiến thức tu nghiệp của Nguyễn Xuân Thủy đã giúp anh có nhiều trang viết chân thực, sinh động, mang hơi thở cuộc sống và văn phong của thế hệ trẻ. Một cơ duyên may mắn đối với người cầm bút như Nguyễn Xuân Thủy là anh đã có thời gian được làm “lính Trường Sa”. Chính nơi đây anh đã nhận ra phần lãnh thổ thiêng liêng này không chỉ là một vị trí tiền tuyến của Tổ quốc, xứ sở của bão tố trùng khơi... chứa đựng bao điều kỳ thú. Kể cả cuộc sống sinh hoạt, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ đảo và lao động xây dựng đảo... của quân và dân Trường Sa, cũng có bao chuyện hấp dẫn, ly kỳ. Nhưng đâu phải ai cũng có thể dễ dàng được thưởng ngoạn, khám phá và tìm hiểu những cảnh vật, hiện tượng, con người ở quần đảo cách đất liền hàng trăm hải lý, nhất là đối với các em nhỏ.
          Trong tác phẩm "Tôi kể em nghe chuyện Trường Sa" anh đã tự sắm vai người dẫn đường trong hải trình dài gần 1.000km để đưa người đọc đến với vùng biển đảo xa xôi của Tổ Quốc, chỉ dày 90 trang, khổ 14,4x20,5cm nhưng không hề bỏ lỡ điều gì đặc biệt về nơi xa xôi ấy. Chuyến du lịch đặc biệt qua trang sách được chia làm 6 phần chính gồm: Ra đảo – Mùa biển lặng – Mùa biển động – Kì thú biển trời Trường Sa – Thám hiểm đáy biển Trường Sa – Những người giữ đảo.
            Ra đảo là những bước làm quen với hành trình từ đất liền ra Trường Sa. Các bạn phải làm quen với bến cảng, tàu, neo, các chú thủy thủ, giấc ngủ trên tàu, bữa ăn trên tàu... và... say sóng. Những chuyện ấy tưởng chẳng có gì mới mẻ đối với nhiều bạn đã từng được đi tàu thủy. Nhưng mà khác lắm, lạ lắm, vì đây là tàu thủy ra Trường Sa mà! ấy là chưa kể trên hải trình ra Trường Sa, các bạn còn được nhìn thấy những chú cá biết bay, những chú cá heo thân thiện... và đặc biệt là cảm giác “say đất” khi đặt chân lên đảo.
            Ở Trường Sa, Mùa biển lặng khác với Mùa biển động và Nguyễn Xuân Thủy đã có nhiều câu chuyện cụ thể với những miêu tả tỉ mỉ về hai mùa biển này. Sóng và cát, cây bàng quả vuông và “cây bàng thường”... rồi cây phong ba, cây bão táp. Không phải ngẫu nhiên mà người ta đặt cho cái tên “cây phong ba, cây bão táp” để mỗi loài cây ấy là một câu chuyện nhỏ hấp dẫn. Phải chăng những con người nơi đây đã từng vật lộn với sóng to, gió lớn giữa muôn trùng biển khơi. Và họ cũng thấm thía cái nắng, cái gió, cái mặn mòi của biển khơi nghìn trùng để đặt tên cho loài cây mang đầy ý nghĩa biểu tượng ấy “cây phong ba như một con mắt nhìn âu yếm…từng chùm hoa lốm đốm như điểm tụ cho từng phiến lá khiến chúng mềm mại mà vẫn giữ được vẻ quân tử hiên ngang đứng giữa biển trời. …vẫn kiên cường chống chọi bão giông.”Còn cây bão táp qua mỗi mùa gió muối là lá cây bị táp nhưng phần gốc vẫn tiềm tàng một sức sống…”. Rồi những chú ỉn, những anh bạn gâu gâu... và cả những chú bồ câu nữa, cuộc sống trên đảo nổi, đảo chìm và nhà giàn...trong mùa biển lặng thật “lãng mạn”. Nhưng vào mùa biển động, bốn bề dựng sóng bạc đầu. Gió táp như xát muối và thương nhất là những vườn rau -đúng hơn là những chậu rau, khay rau, và cái Tết ở Trường Sa không thể đầy đủ như ở đất liền. Nơi đây thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần. Những món quà từ đất liền là nguồn cổ vũ lớn lao cả về vật chất lẫn tinh thần đối với những người lính trên đảo Trường Sa đang ngày đêm bảo vệ tổ quốc.
          Trời biển Trường Sa còn nhiều cảnh vật, hiện tượng kỳ thú mà chỉ những người gắn bó thường xuyên với quần đảo mới được chứng kiến. ấy là những chiếc “vòi rồng” như quái vật, những chiếc cầu vồng lộng lẫy bắc qua biển, những sắc màu nước biển biến ảo theo thời tiết v.v..
          Dưới đáy biển Trường Sa cũng có muôn vàn kỳ thú. Ấy là những đàn cá muôn loài muôn sắc và hình thù thì vô cùng ngoạn mục. Những chú tôm kềnh càng đủ cỡ. Nhưng loài ốc “vừa đẹp vừa ngon” không vùng biển nào có được... Rồi những “thím sò” trầm tích đáy biển, những chú vích khù khờ chậm chạp và hiền lành...
          Nhưng hấp dẫn hơn cả vẫn là những câu chuyện về những người đang ngày đêm canh giữ biển đảo và những người dân Trường Sa đang ngày đêm lao động sản xuất xây dựng huyện đảo đẹp giàu. ở Trường Sa không chỉ có các chú bộ đội hải quân mà còn có các chú bộ đội công binh, ra-đa, cao xạ, cảnh sát biển... Nhân dân Trường Sa không chỉ có ngư dân mà còn có cán bộ thủy văn, khí tượng, giáo viên và... những công dân tí hon tuổi mẫu giáo, tiểu học. Và những câu chuyện thường ngày ở đảo của họ thì nhiều vô kể và thú vị vô cùng...
            Cuốn sách mang Trường Sa xích gần hơn với cuộc sống ở đất liền, để các độc giả nhí thêm yêu hơn mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc. Cuối cuốn sách, nhà văn còn dặn các độc giả nhớ viết thư cho các chú bộ đội theo địa chỉ ghi sẵn: “Kính gửi các chú bộ đội Trường Sa - Tỉnh Khánh Hoà”, bởi việc nhận thư đối với các chú bộ đội là một niềm vui rất lớn.
            Vâng! Ít có nhà văn nào hiểu được tận tình nơi đầu sóng ngọn gió như Nguyễn Xuân Thủy. Chẳng phải chính anh đang viết về một phần cuộc đời mình?! Song đem cái từng trải đó để kể lại cho các em nhỏ thì lại khác. Cái khó là làm sao để người ta cũng cảm nhận được như mình, nhất là với các tâm hồn nhỏ bé. Nhưng anh đã thành công với lời văn chân thành và mộc mạc, không màu mè, hoa mỹ, không tô vẽ như chính cuộc đời người lính. Đứng ở góc độ chủ quan tôi cho rằng, không chỉ các em nhỏ mà người lớn, những bạn bắt đầu tìm hiểu về Trường Sa đều có thể đọc cuốn sách này để có những kiến thức cơ bản về một phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.
          Bảo vệ vững chắc Tổ Quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, đảm bảo sự tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ cả trên đất liền, trên biển, trên không, ngăn ngừa mọi nguy cơ xâm lăng từ bên ngoài, là nhiệm vụ của mỗi người dân Việt Nam, của Nhà nước Việt Nam. Từ bao đời nay, ông cha ta đã đổ bao công sức và cả máu xương để giữ gìn, bảo vệ các vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc. Ngày nay, chúng ta cần vận dụng sáng tạo những bài học lịch sử, kết hợp sức mạnh dân tộc vào thời đại để tiếp tục khẳng định chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc đúng như lời dạy của chủ tịch Hồ chí Minh: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay, ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp. Ta phải biết giữ gìn lấy nó”.                 
 Cuốn sách này hiện đang có tại thư viện trường, các em hãy đón đọc nhé .Thư viện rất hân hạnh phục vụ các em !